Hiện nay Florida còn trong mùa cam (cam được thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 6), nên giá cam khá rẻ. Các cửa hàng cũng có những quày bán cam, quít, bưởi màu đỏ, vàng trông rất đẹp mắt. Nhiều nhà trồng được cam, hay hái tặng khi khách tới thăm.
Cam có vị trí quan trọng trong tiểu bang Florida. Trái cam là trái cây chính thức của tiểu bang (official state fruit), nước cam là nước uống tiêu biểu của tiểu bang (state beverage), hoa cam (orange blossom) là đại diện hoa tiểu bang (state flower). Truyền thuyết kể rằng hơn 500 năm trước, ông Ponce de Leon mang hạt giống cam đầu tiên trồng tại vùng Saint Augustine, Florida.
Có người đã làm một thử nghiệm. Cho một nhóm sinh viên mỗi người một trái cam rún (navel orange) vào giờ giải lao và quan sát coi cách họ “tiêu thụ” trái cam ra sao. Có người mượn dao xắt quả cam ra làm sáu và ăn nhanh. Có người lột vỏ, tước bỏ những sợi râu ria quanh các múi cam, tách ra rồi từ từ thưởng thức từng múi một. Có người mượn cái bào, bào vỏ cam, trái cam vẫn còn lớp vỏ trắng bao quanh, anh bèn khoét một lỗ trên đầu trái cam rồi vừa nặn vừa nút.
Có vài sinh viên cầm trái cam, xoay tới, xoay lui mà không ăn. Khi hỏi tại sao không ăn, chàng hay nàng này nói là không biết làm sao ăn vì không có người xắt gọt! Thì ra đây là những đứa con được quá cưng, quá nuông chiều, các “cậu ấm, cô chiêu” này e khó tồn tại lâu dài trên trường đời!
Cam và quít tôi đều thích vì ngoài vị ngon, còn có nhiều sinh tố C và nhiều chất khác bổ ích cho hệ miễn nhiễm. Nhiều người nghiên cứu về đông y học nói rằng ai tạng người thuộc hàn (hay sợ lạnh) đừng ăn nhiều cam, ai tạng nhiệt thì đừng ăn nhiều quít vì “cam hàn, quít nhiệt, bưởi bình bình”. Tôi thương trái cam vì cam nhắc chúng ta sự nhẫn nhịn, sự cam chịu, như câu tục ngữ “quít làm, cam chịu”.
Tôi được kể một câu chuyện lý thú về trái cam ở gia đình anh Tám từ nửa thế kỷ trước ở Saigon. Anh Tám làm nhân viên ở một công ty nhỏ. Ông chủ hãng sau mấy ngày về quê nghỉ hè ở Mỹ Tho, ông mua từ chợ nổi Cái Bè mấy trái cam sành. Ông mang tới sở tặng cho nhân viên mỗi người một trái cam to. Cam sành lai giữa cam và quít, có vỏ sần sùi như mảnh sành, vị ngọt và hơi chua rất dễ chịu.
Anh Tám không ăn, mà nghĩ tới vợ. Chị Tám bận bịu việc nội trợ cả ngày, cuối tuần lại có sinh hoạt của Hội Thánh, phụ nấu ăn cho các buổi thông công, buổi học Kinh Thánh. Chị vui vẻ phục vụ, không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Chị cũng ân cần trong việc tiếp khách. Anh Tám để dành trái cam tặng cho chị buổi trưa đó, như một cách khen thưởng và cảm tạ:
Cám ơn em đã tề gia
Đảm đang việc hội, việc nhà bấy lâu.
Chị Tám nhận trái cam, trong lòng thấy vui lắm, nhưng chị nghĩ đến Hiếu, đang chuyên cần học thi tú tài. Chị Tám tặng cho con trai chiều hôm đó, nói để con có thêm Vitamin C, thêm sinh lực để học thi. Hiếu lại nghĩ đến em gái nó là bé Thảo. Thảo gầy gò như số 11 là tuổi của Thảo. Hôm qua Thảo lật cuốn Kinh Thánh của anh ra xem lúc đang uống sữa. Mấy giọt sữa rớt trên cuốn sách cưng của Hiếu. Nguyên là Hiếu thường hay tô màu những câu Kinh Thánh có ý nghĩa để dễ thấy khi đọc ôn. Thảo thích đọc những câu có màu xanh, đỏ, vàng, tím mà anh Hiếu sơn và đọc những cảm nghĩ Hiếu ghi ở lề trang KT. Lúc đó, Hiếu nổi nóng có nặng lời la rầy em. Thảo khóc và lí nhí xin lỗi. Chưa bao giờ Thảo thấy anh hai “dữ quá” như vậy, nên Thảo giận hờn, tránh mặt anh hai. Sáng sớm nay, trước khi cầu nguyện, Hiếu có xin lỗi em vì đã quá nặng lời với em. Chiều nay, khi nhận được quả cam từ tay mẹ, Hiếu không ăn mà để dành cho em. Thảo vui vẻ, cám ơn anh hai cho trái cam, nhưng bé lại nghĩ đến Ba, cực nhọc làm việc để nuôi cả nhà. Thảo rất thương Ba. Khi cầu nguyện cám tạ Chúa trước bữa ăn, bé luôn xin Chúa ban cho Ba sức khỏe và thêm ơn thêm sức mỗi ngày.
Thảo đợi ba về, mang tặng Ba trái cam. Anh Tám ngạc nhiên khi thấy trái cam giống trái cam anh tặng vợ trưa nay. Sau vài câu hỏi với các thành viên trong nhà, anh Tám bật cười, thốt lên “châu về hiệp phố” có nghĩa là vật báu chạy quanh rồi quay về chốn cũ.
Sau bữa cơm chiều, anh Tám đem trái cam ra xẻ làm bốn, trước khi phát cho mỗi người một góc tư, anh nói:
Cám ơn Chúa là gia đình mình hôm nay nhận được một bài học vô cùng quý báu. Trái cam này đã tuần tự qua tay Ba, qua tay Má, qua Hiếu, qua Thảo, rồi quay lại vào tay Ba. Mỗi người khi nhận, nếu ăn một mình thì không có gì để nhớ, để nói nữa phải không? Mỗi người trong chúng ta biết nó là ngon, là bổ dưỡng, lại không nghĩ tới lợi ích cho cá nhân mình, mà nghĩ tới người thân yêu của mình và muốn dùng nó gửi gắm một sứ điệp. Ba cho Má để cảm ơn Má cực nhọc việc bếp núc săn sóc việc dinh dưỡng cho cha con mình và lo cho công việc Chúa trong Hội thánh bao nhiêu năm nay. Má tặng lại Hiếu như để truyền thêm sinh lực và năng lượng cho con trai lúc học thi. Hiếu tặng lại cho Thảo như một lời xin lỗi đã nặng lời với em và tỏ thiện chí muốn làm hòa. Thảo tặng Ba để tỏ lòng biết ơn và muốn Ba biết là con luôn trân quý những công lao khó nhọc của Ba mỗi ngày đi làm việc để ba mẹ con có cơm ăn, áo mặc, nhà ở và 2 con được cắp sách tới trường.
Trái cam này do cách chúng ta sử dụng mà nó có một sinh mạng riêng, nó trở thành “trái cam nghĩa tình”. Câu chuyện trái cam này kể lại chắc cũng lưu lại một vài giá trị đặc biệt về tâm linh.
Hiếu phát biểu: Con chợt nhớ lời dạy của Thánh Phao-lô trong thư Phi-lip chương 2 “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.
Chị Tám nói: Hồi ông ngoại còn sống, ông thường nói: “cái gì mình giữ cho mình thì hết, cái gì mình cho người khác thì còn, cái gì mình dâng cho Chúa thì tồn tại đời đời.”
Bây giờ bé Thảo lên tiếng: “Con vui lắm, con muốn cả nhà mình hát bài ngợi khen Chúa.” Cả nhà đứng lên, nắm tay nhau hát bài Hallelujah “Ngợi Khen Chúa”.
Châu – Sa (May 2023)



0 Comments